Mở học viện LabVIEW đầu tiên tại Việt Nam

6
480

Đây là cơ hội để sinh viên Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, một chương trình nằm trong dự án hỗ trợ giáo dục Việt Nam, đào tạo những nhà sáng tạo trong tương lai của National Intruments trong giai đoạn 2013 – 2015.

Mở học viện LabVIEW đầu tiên tại Việt Nam

Với sự hợp tác này, phòng thí nghiệm của LabVIEW sẽ được trang bị các công cụ thử nghiệm mới nhất cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Cụ thể, National Instruments cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho sinh viên bằng những thiết bị đo lường, dụng cụ kiểm soát hệ thống… Thay vì đến các nhà máy để tham quan dây chuyền sản xuất, sự vận hành của nhà máy thì ngay tại học viện, các sinh viên sẽ được nhìn thấy quy trình này qua các mô hình hoạt động và tương tác trên những mô hình này. Thậm chí, họ có thể nghiên cứu, viết ra những chương trình hoạt động cho nhà máy theo cách của mình. Khi hoàn tất khóa học, các sinh viên được cấp chứng chỉ, có giá trị quốc tế trong thời hạn 3 năm (CLAD – Certified LabVIEW Associate Developer). Và quan trọng hơn, với phương pháp giảng dạy sư phạm mới này, sau khi kết thúc khóa học, sinh viên có đủ các kỹ năng thực hiện dự án và đáp ứng được yêu cầu về năng lực giao tiếp kỹ thuật chuyên môn của các tập đoàn đa quốc gia.

Mở học viện LabVIEW đầu tiên tại Việt Nam

Theo ông David E. Wilson, Phó Chủ tịch mảng Giáo dục toàn cầu của National Instruments, sở dĩ National Instruments quan tâm đến sinh viên vì họ chính là những kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai. Lĩnh vực hoạt động của công ty rất cần đội ngũ này. Việt Nam là đất nước có dân số đông, số lượng sinh viên lớn và đặc biệt là số lượng trường lớp với tư duy đổi mới cũng rất nhiều. Những giáo sư, đội ngũ giáo viên Việt Nam đã được đào tạo rất tốt. National Instruments cung cấp những công cụ tốt, các giáo sư có tinh thần cải tiến, năng động cùng với sinh viên Việt Nam ham học hỏi, chắc chắn sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực tự động hóa. Việc Việt Nam tăng cường các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sẽ giúp chất lượng ngành giáo dục tăng lên và sinh viên Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong tìm kiếm việc làm.

Cũng theo ông David E. Wilson, trong vòng 10 năm nữa, ngành giáo dục Việt Nam sẽ không còn “phấn trắng bảng đen” mà chuyển sang học trực tuyến. Sinh viên không cần đến lớp vẫn có thể tiếp cận những bài giảng trên khắp mọi miền đất nước với mức học phí thấp. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ. “Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ, có định hướng tốt về công nghệ và Việt Nam có khả năng trở thành một quốc gia mạnh mẽ và bền vững của những nhà sáng tạo. Vì vậy, National Instruments với thế mạnh là công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp tự động hóa, đo lường và điều khiển, mong muốn đầu tư và tăng cường hệ sinh thái kỹ thuật trong nước để giúp Việt Nam đạt được điều này. Việc đào tạo và hỗ trợ cho các thế hệ kỹ sư và nhà khoa học kế tiếp được thỏa sức sáng tạo là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu dài của chúng tôi tại Việt Nam”, ông David E. Wilson chia sẻ.

Mục đích của National Instruments được lãnh đạo công ty này quyết tâm thực hiện đến cùng. Trước chương trình hợp tác với Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM, National Instruments đã ký kết với chương trình Liên minh Giáo dục Kỹ thuật (HEEAP) tại Việt Nam một gói hỗ trợ 7 triệu USD cho các hoạt động thúc đẩy, cải tiến giáo dục trong vòng 3 năm (2013-2015). Sau Labview đầu tiên tại TP.HCM, National Instruments tiếp tục triển khai các công việc cần thiết để mở hai Labview tại Hà Nội và Đà Nẵng trong những năm tới. Theo kế hoạch, có 8 trường đại học và cao đẳng được National Instruments hỗ trợ các công cụ giảng dạy hiện đại này.

Không chỉ riêng Việt Nam mà từ năm 1976, tại nhiều nước trên thế giới, National Instruments đã hỗ trợ, trang bị cho các kỹ sư và nhà khoa học những công cụ nhằm nâng cao năng suất, đổi mới và khám phá. Thiết kế hệ thống bằng lập trình đồ họa tiếp cận với kĩ thuật của National Instruments cung cấp một nền tảng phần mềm và phần cứng tích hợp giúp tăng cường tốc độ phát triển của bất cứ hệ thống cần đo lường và điều khiển nào. Từ đó đến nay, đã có hơn 7.000 trường đại học trên thế giới được National Instruments hỗ trợ các thiết bị phần cứng lẫn phần mềm trong công tác giảng dạy.

Comments are closed.